Cách giới thiệu bản thân khi phỏng vấn là ấn tượng đầu tiên của nhà tuyển dụng đối với ứng viên. Qua đó nhà tuyển dụng sẽ có cái nhìn bao quát và đánh giá sơ bộ về tiềm năng của bạn. Vậy làm sao để nhà tuyển dụng có ấn tượng tốt ngay từ đầu buổi phỏng vấn? Hãy cùng tìm hiểu thêm trong bài viết dưới đây.
Tầm quan trọng của phần giới thiệu bản thân
Giới thiệu bản thân là phần đầu tiên trong các buổi phỏng vấn. Cách giới thiệu bản thân khi phỏng vấn sẽ được các nhà tuyển dụng chú ý đầu tiên. Từ đó họ quan sát và phỏng đoán phần nào tính cách và tư duy của ứng viên. Vậy nên, bạn hãy khiến bản thân mình ghi điểm trong mắt nhà tuyển dụng ngay từ bước này.
Việc tạo ấn tượng với nhà tuyển dụng ngay từ đầu sẽ giúp buổi phỏng vấn có không khí tích cực. Điều này cũng giúp bạn cảm thấy tự tin và có tâm lý thoải mái. Bạn sẽ trở nên lưu loát hơn khi trả lời các câu hỏi và trao đổi các thông tin một cách cởi mở. Chính những điều này sẽ giúp bạn gây được thiện cảm đối với nhà tuyển dụng và nổi bật hơn so với những ứng viên còn lại.
Nội dung cách giới thiệu bản thân khi phỏng vấn
Để gây ấn tượng tốt trong mắt nhà tuyển dụng, cách giới thiệu bản thân khi phỏng vấn cần mạch lạc, ngắn gọn nhưng đầy đủ thông tin và nêu bật được các điểm mạnh của ứng viên.
Giới thiệu đầy đủ họ tên, độ tuổi và học vấn
Sau khi chào hỏi, bạn hãy bắt đầu giới thiệu bản thân từ các thông tin cơ bản nhất. Điều quan trọng khi giới thiệu bản thân là bạn cần trình bày ngắn gọn và đi vào trọng tâm. Tuy nhiên việc giới thiệu đầy đủ họ tên, tuổi tác và học vấn thể hiện sự nghiêm túc và chuyên nghiệp của bạn. Điều này cũng như giúp nhà tuyển dụng biết được thông tin cơ bản về ứng viên.
Điểm qua các kinh nghiệm làm việc và thành quả trước đó
Sau khi giới thiệu thông tin cơ bản để nhà tuyển dụng biết được bạn là ai. Hãy trình bày các kinh nghiệm làm việc một cách ngắn gọn và đúng trọng tâm. Bạn nên liệt kê các đầu việc một cách logic và theo thứ tự quan trọng giảm dần. Điều này sẽ giúp nhà tuyển dụng đánh giá cao ứng viên là người có logic và không lan man.
Bạn có thể trình bày từ công việc gần đây nhất của mình đến những công việc đã làm ở quá khứ. Hãy đề cập đến vị trí công việc và tên công ty, lĩnh vực cụ thể mà bạn đã làm. Sau đó trình bày nhiệm vụ, vai trò, các công việc bạn đảm nhận và thành tựu mà bạn đã đạt được tại vị trí đó. Tốt hơn hết, bạn nên đo lường cụ thể (bằng con số) các kết quả mà bạn đã đạt được hoặc đã đóng góp cho các doanh nghiệp cũ.
Nếu bạn là sinh viên mới ra trường, chưa có kinh nghiệm làm việc thực tế. Hãy bắt đầu với bằng cấp, chuyên ngành và thành tựu của bạn trong học tập. Những thành tựu đó có thể là điểm số (GPA), chứng chỉ đã đạt được hoặc các dự án bạn đã thực hiện. Từ đó liên kết những kiến thức mà bạn có được có liên quan và có thể phục vụ cho công việc mà bạn đang ứng tuyển.
Nhấn mạnh các kỹ năng
Một trong những cách giới thiệu bản thân khi phỏng vấn gây ấn tượng chính là lồng ghép và nhấn mạnh những kỹ năng. Hãy chia sẻ những kỹ năng thực sự phù hợp với vị trí công việc. Tuy nhiên hãy thật khiêm tốn, không nên quá phô trương sẽ khiến bạn trở nên tự tin thái quá trong mắt nhà tuyển dụng. Bạn nên khéo léo cho nhà tuyển dụng thấy được kỹ năng của bạn sẽ hỗ trợ như thế nào cho vị trí ứng tuyển.
Sơ lược mục tiêu và mong muốn trong công việc
Đây là phần để nhà tuyển dụng thấy được sự nghiêm túc của bạn đối với công việc ứng tuyển. Nó cũng giúp nhà tuyển dụng đánh giá ứng viên có mong muốn gắn bó lâu dài với công ty hay không. Những mong muốn trong công việc, định hướng phát triển của bạn cũng giúp nhà tuyển dụng đánh giá độ phù hợp với công ty.
Bày tỏ thái độ mong muốn với vị trí đang ứng tuyển
Kết thúc phần giới thiệu, bạn nên cảm ơn nhà tuyển dụng vì đã lắng nghe. Ngoài ra đừng quên thể hiện thái độ mong muốn được làm việc, cống hiến lâu dài cùng công ty. Như vậy sẽ giúp bạn củng cố thái độ tích cực và tạo được thiện cảm đối với nhà tuyển dụng.
Những lưu ý để gây ấn tượng tốt với nhà tuyển dụng
Hãy lưu ý một số điều sau để một buổi phỏng vấn diễn ra suôn sẻ và cách giới thiệu bản thân khi phỏng vấn để lại ấn tượng tốt với nhà tuyển dụng.
Tìm hiểu thông tin về công ty và vị trí ứng tuyển
Để chuẩn bị tốt cho một buổi phỏng vấn, điều đầu tiên bạn cần làm là tìm hiểu về công việc đó. Không chỉ giúp bạn tự tin hơn khi phỏng vấn, tìm hiểu về công ty còn giúp nhà tuyển dụng đánh giá cao bạn chuyên nghiệp và nghiêm túc với vị trí ứng tuyển. Việc này giúp bạn phần nào đánh giá được mức độ phù hợp của bản thân với công việc và doanh nghiệp.
Trang phục lịch sự
Bên cạnh ấn tượng bởi phần giới thiệu bản thân, trang phục của ứng viên cũng là điều nhà tuyển dụng nhìn thấy đầu tiên. Trang phục cũng giúp nhà tuyển dụng đánh giá tác phong của ứng viên. Hãy lựa chọn trang phục lịch sự bằng những bộ đồ công sở thanh lịch, đơn giản và không quá ngắn để tạo được ấn tượng tốt với nhà tuyển dụng.
Chuẩn bị tinh thần thoải mái, tự tin
Chuẩn bị tinh thần trước buổi phỏng vấn sẽ giúp bạn có một tâm lý thoải mái và bình tĩnh hơn. Khi bối rối và hồi hộp bạn sẽ áp lực và không thể trình bày các vấn đề một cách tốt nhất. Vậy nên hãy chuẩn bị tinh thần tốt, thoải mái và tự tin trao đổi với nhà tuyển dụng trong buổi phỏng vấn.
Tạo điểm nhấn cho bài giới thiệu
Một phần giới thiệu ấn tượng khi có các điểm nhấn rõ ràng. Hãy dựa vào thông tin tuyển dụng và làm nổi bật, nhấn mạnh những nội dung quan trọng liên quan đến kinh nghiệm làm việc của bạn. Việc này giúp phần giới thiệu của bạn trở nên ấn tượng, không đơn điệu từ đầu đến cuối.
Không nên quá phóng đại, tự tin thái quá
Tự tin và lịch sự trong phỏng vấn giúp nhà tuyển dụng đánh giá cao ứng viên. Tuy nhiên nếu không khéo léo, bạn sẽ trở nên khoa trương, tự tin thái quá trong mắt nhà tuyển dụng. Vậy nên ứng viên cần chú ý cách ăn nói sao cho lịch sự, thể hiện được sự chân thành và mong muốn của bản thân. Hãy thể hiện điểm mạnh của bản thân một cách phù hợp, vừa phải trước nhà tuyển dụng.
Trên đây là những nội dung và lưu ý trong cách giới thiệu bản thân khi phỏng vấn để gây được ấn tượng tốt với nhà tuyển dụng. Tuy nhiên bạn hãy điều chỉnh sao cho phù hợp với bản thân. Hy vọng bài viết đã cung cấp đến bạn những thông tin hữu ích cho buổi phỏng vấn.
Bình luận